Print trang này

Sinh viên Mỹ tìm hiểu cảnh 'kiếm sống' tại Việt Nam

“Kiếm Ăn” là tên đề tài nghiên cứu mà Giáo Sư Gerard Sasges dành cho nhóm sinh viên từ California đến Việt Nam vào năm 2010 và 2011. Những tài liệu họ thu được vừa được một nhà xuất bản tại Singapore cho phát hành qua cuốn sách “It's a Living: Work and Life in Vietnam Today.”

 
Các sinh viên này đến Việt Nam qua một trong các chương trình du học nước ngoài  của hệ thống đại học University of California. Giáo Sư Gerard Sasges, người phụ trách tại địa phương, quyết định đề tài cho mỗi khoá học. Cho năm 2010 và 2011, ông yêu cầu sinh viên tìm hiểu công việc của người dân tại đây. Ông đặt tên cho đề án là “Kiếm Ăn.”


“Nhiều người Việt Nam gọi công việc của mình là 'đi kiếm ăn', nghe rất khắc khổ. Bất kỳ công việc nào cũng đáng trân trọng. Đề án “Kiếm Ăn” muốn chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mọi thành phần xã hội.”  Giáo Sư Gerard Sasges giới thiệu trong buổi ra mắt sách tại Trung Tâm Văn Hoá VAALA, Santa Ana.


Các sinh viên Mỹ, đa số là gốc Việt, đi gặp và hỏi chuyện người dân, với sự phiên dịch và trợ giúp của sinh viên địa phương. Sinh viên Mỹ, Việt được chia thành từng nhóm bốn người. Tổng cộng hơn 150 cuộc phỏng vấn được thực hiện. Tất cả người được phỏng vấn đều không cho phép thu âm để bảo đảm an toàn cho sự riêng tư cá nhân và trước chính quyền.


Trong sách “It's a Living: Work and Life in Vietnam Today,” Giáo Sư Sasges chọn lọc 67 câu truyện. Những công ăn việc làm này được chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm “sản xuất” có thợ may hay nghệ sĩ..., nhóm “buôn bán” có từ người bán cá đến bán xe hơi, nhóm “quản lý” có người bán giày dép ở lề đường đến nhân viên bán hàng đa cấp, nhóm “đầu tư” có cả đại lý bán vé số, nhóm “bảo vệ”, nhóm “sửa chữa”, nhóm “lau chùi”, nhóm “chăm sóc” như y tá, vật lý trị liệu...


Ông Sasges cho thay đổi tên nhân vật để bảo vệ tối đa các nhân vật liên quan. “Vì tại Việt Nam, chúng tôi không biết thông tin nào được cho là 'nhạy cảm'.” Ông giải thích.


Trong buổi ra mắt sách, ngoài vị giáo sư còn có ba cựu sinh viên: Tracy Nguyễn, Lộc Lê, và Peter Lê. Những người bạn trẻ chia sẻ cảm nhận về Việt Nam, về những điều học được từ chuyến đi, các trở ngại ngôn ngữ, sự e dè của một số người địa phương hay sự hồ hởi đón tiếp của những người khác...


Trả lời phỏng vấn báo chí, Tracy cho biết cô sinh ra và lớn lên tại San Jose. Ba mẹ cô đi vượt biên và chưa bao giờ về Việt Nam. Cô ghi danh đi Việt Nam khi đang học năm cuối tại Đại Học UC Berkeley, đơn giản là để “thử cho biết.”


Tracy phỏng vấn từ hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bán hàng đa cấp, bảo vệ, phóng viên... Cô nói về công việc của những người ở Việt Nam mà cô gặp, và cô cũng kể về công việc của mẹ cô tại một tiệm giặt ủi tại California.

 

 

Lộc Lê tham gia chương trình qua Đại Học Santa Cruz. Anh học về Việt Nam và Nhật nhưng quyết định đi Việt Nam. Tuy Lộc cho biết vấn đề chính trị vẫn bị một số người né tránh không muốn đề cập, anh kể về kỷ niệm uống bia và trò chuyện “rất thoải mái” với một thanh niên làm tiếp tân cho khách sạn. “Họ vui vẻ lắm, người ta không sợ nói chuyện với học sinh, vì mình không phải là cảnh sát hay gì hết...”


Riêng Peter Lê từng đến Việt Nam hai lần cùng gia đình. Khi tham gia khoá học do thầy Sasges phụ trách, anh nói “muốn là một phần trong đề tài thú vị này.” Peter kể về việc học cách tiếp cận với một người lạ trên đường phố, thực sự trò chuyện để họ mạnh dạn chia sẻ tâm sự, học về sự khác biệt của từng người.


“Tôi học được nhiều thứ.” Peter nói. “Những cuộc phỏng vấn làm cho tôi nhận ra rằng ai cũng cố gắng và cố nuôi sống gia đình họ. Chúng ta ai cũng gặp khó khăn để đối mặt mà vượt qua.”


“Về lại Mỹ rồi tôi không cần mua thêm điện thoại mới nữa, tôi chỉ thích đi chơi với người nhà. Tôi bớt giận, không lo lắng nữa, không lo tiền nữa. Người ta chỉ cần uống một ly bia, mua cái gì đó ăn cũng là hạnh phúc rồi...” Lộc mạnh dạn chia sẻ.


“Các sinh viên nói nhiều về tốc độ thay đổi của xã hội và kinh tế ở Việt Nam, sự đa dạng của các công việc tại đây, khó khăn mà người dân phải cố gắng để kiếm sống, những cơ hội mới mà giai đoạn kinh tế này tạo ra cho một nhóm người, sự quan trọng của gia đình đã thúc đẩy con người ta đi làm, sự hài lòng của con người từ những công việc nhỏ, ít tiền...” Giáo Sư Sasges nói.

 

Theo NV

Đọc 7021 thời gian Sửa lần cuối vào 24 12
Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)