Print trang này
26 02

Sinh viên USC và UCLA đồng tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc

Gloria Kim, sinh viên USC, chia sẻ ý kiến về các tờ giấy lăng mạ phụ nữ gốc Á. (Hình: Thiên An)

 

Một trò đùa vô ý thức hay một minh chứng cho nạn kỳ thị chủng tộc vẫn  tồn tại? Các sinh viên thiểu số của hai trường USC và UCLA, trong đó có nhiều sinh viên gốc Việt,  khẳng định những tờ giấy bôi nhọ phụ nữ gốc Á bị dán nhiều nơi trong thời gian qua là hành động kỳ thị cần dẹp bỏ.
 

“Sự kỳ thị vẫn còn tồn tại và chúng ta cần phải bày tỏ sự chống đối các hành vi miệt thị giới tính, sắc tộc này.” Anh Quỳnh Nguyễn, một trong bốn thuyết trình viên nói trong buổi họp báo đầu tiên do sinh viên hai trường đồng tổ chức để tìm phương hướng giải quyết vấn đề kỳ thị chủng tộc.


Bao quanh họ là khoảng một trăm sinh viên khác đến tham dự vào tối Thứ Tư, 19 Tháng Hai đó. Họ thuộc đủ sắc tộc, ngồi kín các hàng ghế và đứng tràn ra hai phía phòng họp.


Một sinh viên dưới hàng ghế khán giả, phát biểu: “Tôi rất buồn khi bạn bè cười, nói rằng các tờ giấy này chẳng có gì đáng để đấu tranh, chỉ là một trò đùa ác ý. Chúng tôi coi những tờ giấy này là một sự tấn công vào chúng tôi, vào gia đình chúng tôi, vào cộng đồng của chúng tôi.”


Cuộc họp cũng là dịp đầu tiên các sinh viên trên cùng ký một bản thỉnh nguyện thư, chính thức gửi đến ban giám hiệu trường yêu cầu có phản ứng cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người da màu.


Sự việc bắt đầu gây chú ý trong dư luận từ cuối năm 2012. Khi đó, một biểu ngữ của Hội Sinh Viên Việt Nam của UCLA bị dán giấy có dòng chữ và hình ảnh lăng mạ viết “Phụ nữ Á Châu là đ. tôn thờ trai da trắng.” Một tờ giấy khác, với nội dung tương tự, dán trên cửa nhà vệ sinh nữ của một thư viện của trường vào ngày hôm sau.


Thủ phạm chưa được tìm ra, dư luận vừa lắng xuống thì vào đầu năm 2014, những tờ giấy có nội dung tương tự lại xuất hiện tại một số nơi một trường đại học lân cận là trường USC. Văn phòng trung tâm của khoa Châu Á Học cũng bị dán giấy ngay trước cửa vào.


 
Từ trước buổi họp Thứ Tư, các sinh viên khắp California, trong đó có đông đảo sinh viên Việt Nam, bắt đầu chụp và đăng hình của bản thân, của nhóm, đồng loạt với dòng chữ “Beyond The Stereotype”, tạm dịch là “vượt qua định kiến”, để hưởng ứng lời kêu gọi cùng lên tiếng với sinh viên UCLA và USC.


“Thủ phạm đằng sau những hành động kỳ thị này vẫn chưa được tìm ra. Cảnh sát vẫn còn phải điều tra. Nhưng điều quan trọng không phải là việc trừng trị thủ phạm, mà là phải thay đổi môi trường hiện tại, nơi có những con người vẫn kỳ thị giới tính, màu da.” Ban tổ chức tuyên bố.


Sáu sinh viên đại diện điều hành buổi thảo luận hôm đó là Jazz Kiang, Anh Quỳnh Nguyễn, và Uyên Hoàng từ UCLA, cùng Gloria Kim, Alison Chang, và Andy Su, sinh viên USC.


Chương trình bắt đầu vào 6 giờ chiều, mở đầu bằng việc sơ lược các sự kiện liên quan đến chủ đề chương trình. Các sinh viên tham dự tiếp đó được mời thảo luận, trình bày cảm nghĩ hoặc chia sẻ những vụ kỳ thị sắc tộc tại giảng đường mà chính họ là nạn nhân. Các câu hỏi được đặt ra, các ưu tư được trình bày, tuy không phải tất cả đều có lời giải đáp. Chương trình kết thúc bằng việc đọc vang lá thỉnh nguyên thư yêu cầu nhà trường bảo vệ sự đa dạng sắc tộc, văn hóa. Khẩu hiệu “isang bagsak” tượng trưng cho quyết tâm đoàn kết vì công lý được đồng loạt hô vang.


“Chúng tôi đến đây để ủng hộ tinh thần cho sinh viên gốc Á,” “bản thân tôi là nạn nhân mỗi ngày của sự xa lánh người thiểu số” hay “phải đợi khi có bao nhiêu người bị tấn công thực sự thì nhà trường mới lên tiếng”... là những chia sẻ được nghe thấy nhiều nhất trong buổi họp.


Bên cạnh đó là những câu hỏi dường như quá tầm của các bạn sinh viên lứa tuổi đôi mươi nên chưa được có câu trả lời thông suốt. “Tại sao buổi họp có rất nhiều sắc dân da màu, nhưng ít người da trắng?” “Làm sao để những người da trắng bỏ qua lợi thế của họ để cùng ngồi xuống nói chuyện với chúng ta?” “Làm sao để cuộc vận động bùng lên thay vì lắng dần xuống?” “Phương thức cụ thể để nhà trường thay đổi được được văn hóa hành xử của hàng chục ngàn sinh viên?”...


Các sinh viên UCLA yêu cầu nhà trường, nơi duy nhất trong hệ thống đại học công lập UC của tiểu bang chưa có luật đảm bảo sự đa dạng văn hóa trong quá trình tuyển lựa sinh viên, phải lập tức tiến hành việc này. Sinh viên USC cũng đòi hỏi nhà trường phải có một phương án với các bước cụ thể để đối phó với các hành vi kỳ thị tương tự trong tương lai.


Tuy buổi họp kết thúc đúng lịch trình, các bạn sinh viên vẫn ngồi lại, cùng nhau ăn bánh mì, tiếp tục trò chuyện, và cùng chụp hình với tấm biểu ngữ lớn: “Beyond The Stereotype.”


Theo NV/ LA Times

Đọc 6298 thời gian Sửa lần cuối vào 26 02
Đánh giá mục này
(1 Bỏ phiếu)